Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được khởi công từ tháng 6 kỳ vọng giúp nhu cầu đá xây dựng phục hồi, hỗ trợ kết quả kinh doanh khối ngành này trong nửa cuối năm.
Doanh nghiệp đá xây dựng là đối tượng đầu tiên hưởng lợi khi các dự án đầu tư công được triển khai. Từ đầu năm vấn đề đẩy mạnh đầu tư công đã được Chính phủ và cơ quan ban ngành đặt trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kế hoạch đầu tư công năm nay được đề ra ở mức 700.000 tỷ đồng, tăng 25% so với 2022.
Xem thêm: Granite Đại Thành chuyên cung cấp đá trắng suối lau
Tuy nhiên, giải ngân 6 tháng đầu năm mới đạt 30% kế hoạch, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Theo SSI Research, nguyên nhân là do yếu tố mùa vụ (giải ngân thấp nửa đầu năm và đẩy mạnh nửa cuối năm), rủi ro pháp lý, công tác chuẩn bị dự án thường kéo dài 18 – 24 tháng và thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông lớn.
Do vậy, kết quả kinh doanh của đa phần doanh nghiệp đá xây dựng đều kém khả quan trong nửa đầu năm. Công ty cổ phần Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (BBCC, HoSE: VLB) báo cáo doanh thu 6 tháng giảm 20% xuống 493 tỷ đồng, chủ yếu giảm trong doanh thu bán đất, đá. Hoạt động khác có lãi 4,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 25,6 tỷ đồng (do phát sinh khoản chi phí tiền cấp quyền khai thác khoảng sản bổ sung từ năm 2014 đến năm 2021). Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế còn giảm 8% xuống 66 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo BBCC chia sẻ tình hình tiêu thụ sản phẩm đá trong nửa đầu năm chậm do những dự án lớn trọng điểm về hạ tầng giao thông chưa triển khai hoặc đẩy mạnh tiến độ thi công. Hơn nữa, thị trường bất động sản và ngành xây dựng rời vào giai đoạn trầm lắng, có thể kéo dài sang năm sau khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó.
Tiêu thụ đá của doanh nghiệp phụ thuộc vào thời điểm sân bay Long Thành, cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Biên Hòa – Vũng Tàu, Vành đai 3 khởi công. Khi các dự án hạ tầng được triển khai, giai đoạn thi công phần kết cấu dưới, công ty có cơ hội tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Khoảng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, HoSE: KSB) công bố doanh thu giảm phân nửa xuống 273 tỷ đồng, lãi sau thuế giảm 39% xuống 60 tỷ đồng. Nguồn thu ghi nhận sụt giảm ở cả 2 mảng đá xây dựng và bất động sản khu công nghiệp. Với mảng đá xây dựng, mỏ Phước Vĩnh tạm thời đóng cửa để gia hạn giấy phép đã ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng của doanh nghiệp.
Tương tự, Công ty cổ phần CIC39 (HoSE: C32) giảm lợi nhuận đến 74% xuống 3,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Doanh nghiệp cho biết gặp khó trong việc tìm kiếm đơn hàng, số lượng đơn hàng và công trình suy giảm, cạnh tranh để giành đơn hàng khiến doanh thu và biên lợi nhuận giảm. Đồng thời, chi phí đầu vào tăng cao do biến động giá chung của thị trường làm tăng giá vốn. Các đơn vị liên kết cùng ngành nghề kinh doanh của công ty cũng gặp khó khăn.
Ngoài ra, mảng đá xây dựng của công ty chủ yếu là gia công chế biến cho Công ty cổ phần miền Đông do hoạt động khai thác tại mỏ Tân Đông Hiệp đã hết hạn khai thác và đang trong quá trình cải tạo đóng cửa mỏ, tận thu đá tồn kho.
Ngược lại, Đá Hóa An (HoSE: DHA) công bố lợi nhuận sau thuế tăng 141% lên 51 tỷ đồng. Sản lượng bán hàng nửa đầu năm giảm khiến doanh thu giảm nhưng việc hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh 21,5 tỷ đồng đã giúp lợi nhuận công ty tăng mạnh.
Đá Hóa An có khoản đầu tư 80 tỷ đồng vào Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG). Tính đến cuối quý II, doanh nghiệp còn lỗ 11,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với số lỗ đầu năm là 33 tỷ đồng nên được hoàn nhập chi phí đã trích dự phòng trước đó.
Đáng lưu ý, Đá Núi Nhỏ (HoSE: NNC) báo cáo doanh thu gấp đôi lên 75,7 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 51% lên 14 tỷ đồng nhờ sản lượng đá tiêu thụ tăng mạnh.
Kết quả kinh doanh của Đá Núi Nhỏ bắt đầu suy giảm từ 2019 khi mà mỏ đá Núi Nhỏ hết hạn khai thác từ 31/12/2019. Vào tháng 3/2022, công ty hoàn thành việc xin giấy phép môi trường cho mỏ đá Mũi Tàu, công suất 1 triệu m3/năm. Định hướng của công ty trong năm nay là tiêu thụ hết đá tồn kho ở khu vực đóng cửa mỏ Núi Nhỏ và 50% đống đá 1×2 Châu Thới, tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của mỏ Mũi Tàu (Bình Phước).
Trong nửa còn lại của năm, triển vọng của các doanh nghiệp đá xây dựng rất khả quan khi mà hàng loạt công trình giao thông trọng điểm được khởi động. Dự án đường Vành đai 3 (TP.HCM) tổng chiều dài 76 km, tổng đầu tư 75.000 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 18/6. Dự án Vành đai 4 (Hà Nội) tổng chiều dài 112 km, tổng mức đầu tư 86.000 tỷ đồng khởi công vào ngày 25/6. Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1 tổng chiều dài 188,2 km được khởi công từ 17/6, tổng đầu tư 44.691 tỷ đồng…
Ngày 31/8 vừa qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) cũng đã tổ chức lễ khởi công 3 gói thầu thuộc 2 dự án lớn nhất gồm gói 5.10 nhà ga hành khách; gói 4.6 thi công đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác thuộc dự án thành phần 3; gói số 12 thi công nhà ga hành khác T3, sân bay Tân Sơn Nhất. Tổng mức đầu tư của 3 gói thầu lên đến 53.000 tỷ đồng.
Theo dự báo của Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), giá đá xây dựng tiếp tục tăng trong quý III do nhu cầu lớn từ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm được khởi công. Giá đá xây dựng quý I tăng 2,7% so với cuối năm 2022, quý II tăng 2,7% so với quý I.
SSI Research cho rằng với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số hơn 700.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong giai đoạn còn lại của năm khoảng 67%, tương đương 470.000 tỷ đồng. Do đó, ngoài việc tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, thể chế, Chính phủ cũng sẽ có những giải pháp cứng rắn hơn trong điều hành, phân rõ trách nhiệm đối với chủ đầu tư, kịp thời rà soát, điều chuyển vốn dự án triển khai chậm sang dự án triển khai nhanh…
Trong ngắn hạn, Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thu phát triển TP.HCM trong đó TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), đối với việc quy hoạch đô thị dọc tuyến đường vành đai 3 hay được áp dụng trở lại hợp đồng BT với một loạt dự án như Cầu Cần Giờ (tổng vốn 10.000 tỷ đồng), Cầu Nguyễn Khoái (2.800 tỷ đồng), mở rộng đường Ung Văn Khiêm, mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hay mở rộng đường dẫn cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Chính phủ cũng kỳ vọng sẽ sớm thông qua Nghị định sửa đổi Nghị định 40/2020/NĐ-CP về đầu tư công (sẽ được phê duyệt vào tháng 10/2023). Điểm đáng chú ý nhất trong Nghị định này là việc nới lỏng quy định cho phép nguồn vốn các dự án đầu tư công chưa được hoàn thành trong năm nay có thể được kéo dài giải ngân sang năm tiếp theo.
Về dài hạn, các đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến đầu tư, ngân sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công cũng đã được nhắc đến trong phiên họp chuyên đề pháp luật trong tháng 6 vừa qua, trong đó bao gồm Luật Đầu tư Công 2019, Luật Đầu tư theo phương pháp công tư (PPP) 2020… Tuy nhiên kế hoạch cụ thể vẫn chưa được công bố và trong kịch bản tích cực nhất, Quốc hội vẫn sẽ phải cần 3 phiên họp để thông qua và việc sửa đổi các luật này nhanh nhất là 2025 có hiệu lực.
Theo CafeF